"Chuyên gia dân vận" vùng khó

"Chuyên gia dân vận" vùng khó

(GD&TĐ) - Dù khó khăn đến mấy, em vẫn luôn quyết tâm và tự nhủ “mình phải mang tri thức tới cho các em học sinh để các em có một tương lai tươi sáng hơn”. Đó là tâm sự và ước mơ luôn cháy bỏng của cô giáo trẻ Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Gái phố lên rừng

Cô Phạm Thị Hương - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.
Cô Phạm Thị Hương - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Là một người con quê gốc Nam Định, có ông bà ngoại lên khai hoang tại Hà Giang. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Hương đã ước mơ trở thành một cô giáo và ước mơ đó được nuôi dưỡng trong điều kiện kinh tế muôn bề khó khăn của gia đình, tại nơi rừng núi hoang vu, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. 

Năm 2000, ra trường với tấm bằng trung cấp sư phạm, cô giáo trẻ được phân công giảng dạy tại huyện Đồng Văn, cách gia đình khoảng 200km. Sau 4 năm “thử lửa”, cô chuyển về công tác tại huyện Hoàng Su Phì, nhận nhiệm vụ tại một trong những ngôi trường khó khăn nhất của huyện - Trường PTDT Bán trú Túng Sán.

Ngay buổi đầu, nhìn những học sinh dân tộc lấm lem với những bộ quần áo không còn lành lặn, Hương đã quyết tâm dành trọn sức lực và tâm huyết để gắn bó và dựng xây ước mơ cùng các em nhỏ nơi đây. 

Những việc không tên của hiệu trưởng vùng khó

Giờ thể dục của học sinh Trường PTDT Bán trú Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.
Giờ thể dục của học sinh Trường PTDT Bán trú Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Với cương vị hiệu trưởng nhà trường, cô Hương tâm sự: Làm hiệu trưởng ở trường miền núi có tiêu chuẩn “ngoài văn bản”, phải nắm được toàn bộ số liệu học sinh dân tộc rất ít người, bảo vệ đầy đủ, chính xác số học sinh được hưởng các chế độ dành cho học sinh dân tộc rất ít người theo đề án 2123, tham mưu với cấp ủy chính quyền vận động học sinh đi học đúng độ tuổi trong toàn xã.

Đặc biệt, với đối tượng học sinh dân tộc rất ít người, hiệu trưởng còn phải là “chuyên gia dân vận”, nắm được phong tục tập quán và điều quan trọng nhất là tạo được niềm tin với phụ huynh về chất lượng giáo dục tại địa phương.

Với đặc thù của vùng núi thuộc xã đặc biệt khó khăn, quản lý nhà trường còn gặp rất nhiều khó khăn về tìm hiểu phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn xã; địa hình phức tạp, phụ huynh học sinh chưa quan tâm đến việc học tập của con em; cơ sở vật chất còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề; giao thông đi lại rất vất vả, nhiều học sinh lớp 4,5 nghỉ học thất thường vào mùa vụ để giúp gia đình…

Để phần nào khắc phục tình trạng học sinh nghỉ học thất thường và giảm thiểu rủi ro giao thông, từ năm học 2013-2014  nhà trường đã tham mưu với cấp ủy chính quyền xã vận động học sinh từ lớp 4, 5 tại các điểm trường lẻ học và ở bán trú tại trường chính.

Hiện nay, đa số các thầy cô ở tại điểm trường, 4/8 điểm trường không có điện thắp sáng, phòng lưu trú không đủ cho giáo viên, có những điểm trường 2 đến 3 giáo viên ở một phòng lưu trú,  một số giáo viên đi lại gặp rất nhiều khó khăn về giao thông có những buổi họp đã được thông báo nhưng giáo viên không thể đến dự họp được do đường bị sạt lở.

Vào mùa đông học sinh nghỉ học thường xuyên do thời tiết quá lạnh. Nếu theo quy định nhiệt độ dưới 8oc học sinh được nghỉ học thì suốt mùa đông học sinh trường hầu như sẽ phải nghỉ đông đến 3 tháng. Tuy nhiên, giáo viên vẫn duy trì học sinh đi học và khắc phục bằng cách đốt lửa ở giữa lớp học và cho học sinh học bài xung quanh đống lửa. 

Cô Hương trầm ngâm, những khó khăn về cơ sở vật chất hay vấn đề giao thông không thể sánh nổi khó khăn trong quá trình vận động học sinh dân tộc, nhất là HS dân tộc rất ít người đến trường. Xã Túng Sán có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán khác nhau, dân trí thấp, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, phụ huynh chưa coi trọng đến việc học tập của con em mình,… nên việc vận động học sinh đi học gặp rất nhiều khó khăn nhất là vào mùa vụ như mùa gặt, mùa hái chè hoặc khi gia đình có ma chay, cưới hỏi...

Để duy trì tỉ lệ bỏ học thấp (2 đến 3 học sinh nghỉ học trong tổng số học sinh toàn trường), Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên phải đến tận gia đình để vận động các em đi học vẫn có nhưng gia đình cho con ở nhà để giúp việc.   

Cô Hương vui mừng cho biết, những năm học gần đây đã có rất nhiều học sinh dân tộc rất ít người ở tại trường bán trú. Đây là một bước tiến bộ rất lớn về nhận thức của các gia đình và là thành công bước đầu của nhà trường. Nhiều học sinh khi đi học tại các trường nội trú của huyện, nghỉ hè vẫn đến nhà cô giáo chỉ để cảm ơn cô vì trước đây đã hết lòng khuyến khích các em đi học.

Túng Sán là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Hoàng Su Phì. Vào mùa mưa, đi từ xã đến trung tâm huyện mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Trường PTDT Bán trú Túng Sán là trường duy nhất trong huyện Hoàng Su Phì có dân tộc rất ít người trong 9 dân tộc rất ít người của cả nước đó là dân tộc Cơlao học tại 5/8 điểm trường trên toàn xã.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.